Thứ Bảy, 20/04/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Chuyển đổi số ở Yên Hòa - lấy người dân làm trung tâm

Thứ tư, 13/01/2021
 
(Bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông)

Kính thưa: Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ!
Kính thưa: Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông!
Kính thưa các đồng chí và toàn thể quí vị đại biểu!
Được phép phát biểu tại Hội nghị tổng kết ngành Thông tin và truyền thông năm 2020, trước tiên tôi bày tỏ sự đồng tình, thống nhất cao với dự thảo Báo cáo của Bộ TT và TT. Đối với Ninh Bình, xin được tham gia phát biểu về một câu chuyện thực tế về chuyển đổi số ở cơ sở để khẳng định, chuyển đổi số là một cuộc cách mạng toàn dân; khi đó các sản phẩm, giải pháp sẽ được tìm lối ra, nuôi dưỡng, thúc đẩy đi xa và được áp dụng rộng rãi. 
Kính thưa các đồng chí!
(1). Trước hết tôi muốn lý giải vì sao chúng tôi chọn thí điểm làm cấp xã?
- Trong quá trình xây dựng Văn kiện Đại hội đảng bộ tỉnh, từ nhận thức được sự cần thiết phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, chúng tôi rất muốn đưa nội dung chuyển đổi số vào dự thảo Văn kiện Đại hội nhưng thực sự lúc đó rất lúng túng, không biết phải làm thế nào đề cập đến vấn đề chuyển đổi số ở mức độ, liều lượng như thế nào.
- Sau quá trình nghiên cứu, nhất là Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Đặc biệt là từ ngày 12/7/2020, sau cuộc làm việc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ TT và TT tại tỉnh Ninh Bình, Ninh Bình được chọn thí điểm và được Bộ TT và TT hướng dẫn, chúng tôi đã quyết định chọn 01 xã và quyết tâm làm, thậm chí là còn phải làm nhanh để lấy tư liệu, thông tin để xây dựng Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình khóa mới.
- Chúng tôi chọn cấp xã vì cho rằng, chuyển đổi số là việc làm mới, việc khó nên cần làm thí điểm cụ thể, trong một diện hẹp, trực tiếp nhưng lại phải toàn diện, hướng đến người dân.
- Với xã Yên Hòa, là xã nông thôn mới, có 2.301 hộ dân với 7.557 nhân khẩu. Tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh chiếm tỷ lệ khoảng 70%, cơ bản đáp ứng yêu cầu cho việc thí điểm và sau này nhân rộng.
 
 
(2) Đã làm gì? Kết quả ra sao?
Với quan điểm lấy người dân làm trung tâm, chúng tôi tập trung chuyển đổi số trong các hoạt động, đời sống thường ngày, đem đến tiện ích thiết thực để người dân thấy cần phải làm, muốn làm và có thể làm được. Cụ thể là:
- Để nhân dân chung tay phòng chống dịch Covid-19, chúng tôi cài đặt 1.300 ứng dụng Bluzone trên điện thoại; để giúp người dân được hưởng dịch vụ y tế có chất lượng mà không cần mất công sức, thời gian, chúng tôi triển khai ứng dụng phần mềm khám chữa bệnh từ xa (TeleHealth). Đồng thời 1.171 ứng dụng Medicin với 1.509 thành viên tham gia nhóm “Yên Hòa hỏi - Bác sĩ trả lời”, đến nay có 1.700 lượt câu hỏi được bác sỹ tư vấn. 
- Trong các trường học triển khai sổ liên lạc điện tử; phần mềm quản lý thư viện, tuyển sinh đầu cấp và hệ thống thanh toán không tiền mặt...
- Hỗ trợ người dân tiếp cận thương mại điện tử thông qua việc đưa một số sản phẩm: cá chạch sụn kho, chạch sụn sấy khô, chạch chiên, chuối tây sấy dẻo…lên trên sàn để giao dịch. Nhờ vậy, sản lượng bán hàng tăng gấp 4-5 lần, thu nhập mỗi thành viên hợp tác xã tăng từ 1,5-2 triệu đồng/tháng lên 5 triệu đồng/tháng.
- Thông qua ứng dụng “Công dân số” người dân được phổ biến giáo dục pháp luật, tra cứu thủ tục hành chính, nộp hồ sơ, phản ánh những kiến nghị, góp ý, tố giác tội phạm…Dự kiến hết tháng 1/2021 sẽ cài đặt cho 2.000 (chiếm 87%) hộ dân trong xã.
- Hệ thống 48 camera an ninh đã hỗ trợ tích cực cho công tác bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.
- Thiết lập kênh truyền thông giao tiếp giữa lãnh đạo xã và nhân dân: Thông qua hệ thống tin nhắn đã gửi tin nhắn cảnh báo dịch bệnh, bão lụt, lịch sản xuất, vận động quyên góp. 100% cán bộ, công chức xã được cấp chứng thư số và ký văn bản điện tử theo qui định, không còn tình trạng in văn bản để báo cáo lãnh đạo.
- Đã triển khai hệ thống thanh toán điện tử thông qua chuyển khoản tài khoản ngân hàng; xây dựng mã địa chỉ bưu chính cho 100% cơ quan, hộ gia đình trên địa bàn xã qua nền tảng bản đồ số gắn liền với phát triển thương mại điện tử. Triển khai hệ thống phần mềm truyền thanh thông minh, sử dụng trí tuệ nhân tạo.
(3) Bên cạnh những kết quả cụ thể trên, có lẽ kết quả to lớn, sâu sắc, có ý nghĩa chiến lược mà Ninh Bình thu được từ chuyển đổi số của Yên Hòa, đó là cấp ủy, chính quyền Ninh Bình tự tin hơn, có đường hướng hơn, quyết liệt hơn trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra chủ trương, giải pháp về vấn đề chuyển đổi số trong thời gian tới, bằng chứng là:
- Từ lúng túng ban đầu (như đã đề cập phía trên), đến nay, trong Nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh, Ninh Bình đã xác định xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số là 01 trong 03 khâu đột phá của nhiệm kỳ tới. 
- Xác định chuyển đổi số sẽ là Nghị quyết đầu tiên của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa mới (dự kiến ban hành trong Quý 1 năm 2021) – việc này đã được khẳng định trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh.
- Ninh Bình đang tập trung nhiều chỉ đạo xã hội số:
+ Xây dựng xã hội số trên cơ sở ứng dụng tại ba ngành y tế, giáo dục, giao thông; kinh tế số tại ngành du lịch, nông nghiệp và công thương…
-Về ngân sách: Ngay trong dự toán ngân sách năm 2021, Ninh Bình đã dành tỷ lệ 1,5% ngân sách tỉnh để thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, gấp khoảng 10 lần so với những năm trước đây. Tỷ lệ này gấp 10 lần so với những năm trước. 
 
(4). Bài học rút ra:
- Công nghệ, kinh phí là điều rất quan trọng nhưng không phải là quyết định (kinh phí thực hiện tại xã Yên Hòa khoảng 200 triệu đồng), mấu chốt quyết định là phải tìm ra bài toán hỗ trợ các dịch vụ tiện ích cho người dân. Nói cách khác, lấy nhân dân làm trung tâm thì sẽ được đón nhận, lan tỏa. Hiện nay, chúng tôi thấy, chuyển đổi số đã là nhu cầu tự thân của nhân dân trong xã, và khi đã sử dụng các ứng dụng tiện ích của chuyển đổi số rồi thì không muốn quay lại những thói quen cũ trước kia nữa.
- Bài học quý giá rút ra trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đó là:
+ Phải có quyết tâm chính trị cao, đặc biệt là người đứng đầu, đồng thời phải đào tạo đội ngũ cán bộ đủ năng lực thực hiện. Dự kiến nhân rộng, nhưng rà soát cho thấy chỉ khoảng 50 % số xã đáp ứng ngay được yêu cầu triển khai mô hình này.
Thời gian đầu thực hiện chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Người dân không dễ dàng tin và đưa điện thoại để cài đặt các app; trình độ ứng dụng công nghệ thông tin của cán bộ, công chức ở cấp cơ sở và ở thôn, xóm còn hạn chế. Phải có quyết tâm rất cao (cán bộ thôn xóm, cán bộ các đoàn thể phải đi giải thích, phải tập huấn cho cán bộ, rồi từng tuần phải rà soát công việc) thì mới hóa giải được những khó khăn đó.
+ Câu chuyện Yên Hòa là minh chứng từ chủ trương đưa vào thực tiễn; đồng thời phải từ thực tiễn, rút kinh nghiệm, đề xuất chủ trương đúng, lớn hơn (quá trình biện chứng, hai mặt của một vấn đề).
- Chúng tôi rất tin tưởng rằng, chuyển đổi số sẽ giúp:
+ Thuận lợi hơn trong đánh giá, sử dụng cán bộ;
+ Số liệu rõ ràng là căn cứ để xây dựng, triển khai các chủ trương, đường hướng khoa học hơn, đồng thời chuyển đổi số góp phần minh bạch hơn trong thực thi nhiệm vụ, hướng đến việc tăng cường vai trò giám sát của nhân dân, góp phần xây dựng Đảng…….
+ Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động, tạo động lực mới cho sự phát triển.
(5) Đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông
1. Có chiến lược đào tạo về nguồn nhân lực cho công cuộc chuyển đổi số; hướng dẫn, chương trình bồi dưỡng, đào tạo cho cả hệ thống chính trị để tham gia vào chuyển đổi số (từ thực tiễn Yên Hòa, thấy, có nhiều việc cấp tỉnh, cấp huyện phải làm. Đặc biệt, người dân đã thành công dân số trong khi chúng ta lại chưa là những nhà lãnh đạo số thì sẽ không đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Vì vậy rất cần có chương trình đào tạo, bồi dưỡng)
2. Nghiên cứu Khung tiêu chí chuyển đổi số cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh, qua đó triển khai sâu rộng trên địa bàn toàn quốc.
Cuối cùng, xin chúc mừng ngành Thông tin và truyền thông đã có nhiều thành tích xuất sắc trong năm 2020, nhất là trong xây dựng Chính phủ điện tử và Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia. 
Thay mặt Lãnh đạo tỉnh Ninh Bình xin trân trọng cảm ơn và kính chúc đồng chí Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đồng chí Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông, các vị đại biểu sức khỏe, hạnh phúc, thành công.
Xin trân trọng cảm ơn! 
 
 
Văn bản điện tử
Một cửa điện tử
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập
Tổng lượt truy cập
4491665

Trực tuyến: 31

Hôm nay: 550

Hôm qua: 8821