Thứ Năm, 28/03/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình

Hội nghị UBND tỉnh phiên thường kỳ tháng 6/2022

Thứ năm, 02/06/2022

Ngày 1/6, UBND tỉnh tổ chức hội nghị giao ban phiên thường kỳ tháng 6, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 5, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm tháng 6. Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Các đại biểu dự hội nghị.

Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành và các địa phương. 

Theo dự thảo báo cáo của UBND tỉnh, trong tháng 5, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 8.220,4 tỷ đồng, tăng 3,3% so với cùng kỳ; lũy kế 5 tháng đầu năm đạt 38.415,1 tỷ đồng, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước. 

Tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 5/2022 đạt 362,9 triệu USD, tăng 62,1% so với cùng kỳ; lũy kế 5 tháng đầu năm đạt 1.443 triệu USD, tăng 34,6% so với cùng kỳ. 

Tổng thu ngân sách Nhà nước đạt gần 8.936,4 tỷ đồng, đạt 44,6% dự toán, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước. Công tác quản lý Nhà nước về xây dựng, giao thông vận tải được tập trung chỉ đạo, nâng cao chất lượng lập các quy hoạch trên địa bàn tỉnh

Trong tháng 5, sản xuất nông nghiệp tập trung vào chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho lúa và các loại cây màu; đẩy mạnh thu hoạch diện tích lúa ngoài đê để tránh bị ảnh hưởng của lũ tiểu mãn.

Sản xuất chăn nuôi bị ảnh hưởng bởi bệnh dịch tả lợn châu Phi có xu hướng diễn biến phức tạp trở lại, phát sinh nhiều ổ dịch mới; Công tác xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu được quan tâm chỉ đạo.

Hoạt động thương mại và dịch vụ trên địa bàn tỉnh tiếp tục đà tăng trưởng do tình hình dịch COVID-19 dần được kiểm soát, các hoạt động dịch vụ văn hóa, văn hóa, vui chơi giải trí được hoạt động trở lại. 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 5/2022 đạt gần 3,2 nghìn tỷ đồng, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2021; lũy kế 5 tháng đầu năm đạt trên 15,9 nghìn tỷ đồng, tăng 12,2% với 12/12 nhóm hàng hóa tăng; 

Số lượt khách đến các điểm thăm quan du lịch trong tháng đạt 395,6 nghìn lượt, gấp 13,7 lần so với cùng kỳ; lũy kế 5 tháng đầu năm đạt gần 1.457,6 nghìn lượt khách, tăng 68% so với cùng kỳ; doanh thu từ hoạt động du lịch 5 tháng đạt 853,8 tỷ đồng, tăng 54,3% so với cùng kỳ năm trước. 

Về văn hóa, xã hội tiếp tục duy trì đảm bảo và có sự khởi sắc, tạo niềm tin và động lực cho nhân dân, đoàn kết trong cấp ủy Đảng, chính quyền. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. 

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung phân tích những kết quả đã đạt được trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm. 

Đặc biệt, việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển công nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để phục hồi kinh tế; những vướng mắc trong công tác quy hoạch đất đai ở các địa phương; công tác phối hợp phòng chống lụt bão, nhất là việc tiêu úng cho các khu công nghiệp để vừa đảm bảo sản xuất cũng như an toàn đê điều. 

Các đại biểu cũng chỉ rõ những nguyên nhân khách quan như việc thiếu nguyên liệu sản xuất, thị trường, giá nguyên liệu đầu vào... đã làm chậm quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch. Điều này cũng ảnh hưởng đến công tác thu ngân sách của tỉnh đạt thấp hơn so với cùng kỳ; xử lý nghiêm các trường hợp trốn thuế, chây ỳ nợ đọng thuế. Tuy nhiên, Ninh Bình vẫn là một trong 10 tỉnh được Bộ Tài chính khen về việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử.  

Về các nội dung văn hóa, xã hội, các đại biểu đã đánh giá tình hình điều trị và tiêm phòng COVID-19 trên địa bàn đã có nhiều kết quả tích cực; Công tác an sinh xác hội, hỗ trợ người lao động và các đối tượng yếu thế được đảm bảo, tỉnh cũng tiếp tục thực hiện việc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, hỗ trợ cho người lao động phải thuê nhà...

Ngành Giáo dục đã nêu các ý kiến về công tác tổng kết năm học; chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức các kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Kỳ thi năm nay có điểm mới là thu phí dịch vụ tuyển sinh theo Luật Giáo dục chính vì vậy rất cần có sự quan tâm chỉ đạo và tuyên truyền của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể địa phương đến với nhân dân. 

Để tổ chức các kỳ thi đạt yêu cầu, ngành Giáo dục cũng mong muốn có sự chỉ đạo sát sao hơn nữa của UBND tỉnh, sự phối hợp của các địa phương, các ngành và toàn xã hội. 

Đối với công tác cải cách hành chính và xây dựng chính quyền: Theo đó, chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) của tỉnh Ninh Bình năm 2021 đạt 89,36%, cao hơn chỉ số trung bình chung của cả nước, tăng 7 bậc so với năm 2020 và xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố; tuy nhiên chỉ số PCI của tỉnh năm 2021 không có sự thay đổi về thứ hạng, giảm 1,45 điểm so với năm 2020. 

Các đại biểu đã phân tích làm rõ những nguyên nhân và tồn tại, đồng thời kiến nghị có những giải pháp cụ thể để các ngành thực hiện. 

Tại hội nghị các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã phát biểu đánh giá lại kết quả của việc thực hiện các nhiệm vụ của các ngành, địa phương và yêu cầu trong công tác báo cáo, thống kê phải chỉ rõ những kết quả đạt được, khó khăn, tồn tại, nguyên nhân và phương hướng nhiệm vụ. 

Trên cơ sở đó sẽ đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của các cấp, các ngành và có căn cứ đánh giá thi đua cuối năm. 

Các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các ngành, các cấp tiếp tục rà soát lại việc thực hiện các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế trong giai đoạn hiện nay từ đó nhìn nhận rõ những khó khăn để có giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, nhanh chóng đưa dự án mới vào hoạt động để tăng giá trị sản xuất công nghiệp, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước ổn định, bền vững

Các ngành, địa phương liên quan phối hợp xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm xây dựng trong Quần thể danh thắng Tràng An; vi phạm đê điều gây bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng đến an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân trong mùa mưa bão; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và giải quyết tồn đọng trong xây dựng cơ bản ở cấp xã. 

Kết luận hội nghị, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã nhìn nhận đánh giá lại kết quả phát triển kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm với sự tâp trung nỗ lực rất lớn của các ngành, địa phương, bức tranh kinh tế đã có sự tăng trưởng đáng ghi nhận, các ngành dịch vụ đã có bước phục hồi, tăng mạnh, nhất là đối với lĩnh vực du lịch tăng 54%, tín hiệu này đã góp phần đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế. 

Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận hội nghị.

Sau khi chỉ rõ những tồn tại, hạn chế làm ảnh hưởng đến quá trình phục hồi kinh tế và việc hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch kinh tế- xã hội năm 2022, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu các cấp, ngành trong tỉnh tập trung thực hiện một số nội dung chính như: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác quy hoạch. 

Cụ thể như: quy hoạch công nghiệp, dịch vụ, kết cấu hạ tầng, cơ cấu lại hạ tầng giao thông... Công tác quy hoạch phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch tỉnh, kế hoạch định hướng phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh và của Quốc gia.

Rà soát lại tốc độ tăng trưởng của các chỉ tiêu kinh tế và tập trung mạnh mẽ hơn cho các giải pháp tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi, ổn định sản xuất, kinh doanh. 

Phối hợp để giải quyết dứt điểm, thấu đáo những sự việc phát sinh, không để tạo tâm lý ức chế, vướng mắc khi doanh nghiệp có những ý kiến, kiến nghị cần giải quyết. 

Đối với việc thực hiện các bộ chỉ số đánh giá của các tổ chức độc lập yêu cầu các cấp, các ngành bám sát Kế hoạch số 80/KH-UBND ngày 8/6/2021 của UBND tỉnh. Nhìn nhận vào thực tế đó, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2021 và nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2022 và thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại hội nghị. Có kế hoạch thực hiện các chỉ tiêu bổ sung thêm và xây dựng lộ trình, giải pháp cụ thể để tăng cường sự tương tác với doanh nghiệp.

Tiếp tục hướng dẫn các đơn vị, chủ đầu tư các dự án đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án. 

Khẩn trương hoàn thiện thủ tục đối với các dự án kéo dài đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất phương án cắt giảm, dừng triển khai; đồng thời sớm hoàn thành việc rà soát, đề xuất phương án xử lý đối với các dự án còn lại. Tiếp tục kiểm soát nợ đọng xây dựng cơ bản ở cả 3 cấp ngân sách. Tăng cường kiểm tra, xử lý các dự án chậm tiến độ, sử dụng đất kém hiệu quả.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã thống nhất ý kiến của các đại biểu và các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu Văn phòng UBND tỉnh tổng hợp, bổ sung để hoàn thiện báo cáo./.

 

Văn bản điện tử
Một cửa điện tử
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập
Tổng lượt truy cập
4319915

Trực tuyến: 109

Hôm nay: 6938

Hôm qua: 8017