Thứ Năm, 28/03/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình

Hoạt động ủy thác cho vay: Kênh dẫn vốn hiệu quả

Thứ ba, 26/01/2021
Thời gian qua, phương thức ủy thác một số nội dung công việc giữa Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh với 4 tổ chức chính trị xã hội đã phát huy hiệu quả, giúp chuyển tải vốn chính sách nhanh chóng, chính xác tới người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đóng góp quan trọng trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo công tác an sinh xã hội.

Hoạt động ủy thác cho vay: Kênh dẫn vốn hiệu quả

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội cùng cán bộ cơ sở kiểm tra hiệu quả vay vốn tại xã Yên Lâm, huyện Yên Mô.
Theo đánh giá của Ngân hàng CSXH tỉnh, năm 2020 công tác ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình cho vay thông qua các tổ chức chính trị xã hội, hoạt động giao dịch tại xã, tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) chuyển biến rõ nét. 
Nguồn vốn tín dụng chính sách được chuyển tải đến đúng đối tượng thụ hưởng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được thụ hưởng các chính sách ưu đãi của Đảng và Chính phủ. Đến 31/12/2020 dư nợ thực hiện ủy thác một số nội dung công việc qua các cấp Hội là 2.597 tỷ đồng với 76.220 hộ còn dư nợ, chiếm 99,4% tổng dư nợ trên địa bàn tỉnh, tăng 7,8% so với đầu năm. 
Trong đó, Hội nông dân quản lý 723 tỷ đồng, Hội phụ nữ quản lý 1.078 tỷ đồng, Hội Cựu chiến binh quản lý gần 486 tỷ đồng, Đoàn thanh niên quản lý 310 tỷ đồng. Cùng với việc tăng lên về quy mô mạng lưới và dư nợ, ngân hàng CSXH và các tổ chức nhận ủy thác có sự quan tâm đặc biệt đối với chất lượng tín dụng, thường xuyên theo dõi, chỉ đạo, đồng thời tích cực triển khai đề án "Nâng cao chất lượng tín dụng" và có những giải pháp tháo gỡ khó khăn kịp thời cho cơ sở. 
Do vậy chất lượng tín dụng chính sách được nâng lên rõ rệt. Tổng số nợ quá hạn và nợ khoanh toàn tỉnh chiếm tỷ lệ 0,25%/tổng dư nợ, giảm 0,19% so với đầu năm.
Bên cạnh đó, xác định các tổ TK&VV là những hạt nhân quan trọng trong công tác chuyển tải vốn, Ngân hàng CSXH phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội đánh giá phân loại chất lượng hoạt động của tổ để thực hiện củng cố, kiện toàn hoạt động. 
Đến nay, toàn tỉnh có 2.327 tổ TK&VV, giảm 33 tổ so với đầu năm. Trong đó: 2.129 tổ xếp loại tốt, tăng 76 tổ so với đầu năm; 140 tổ xếp loại khá; 51 tổ xếp loại trung bình và 7 tổ xếp loại yếu, giảm 11 tổ so với đầu năm. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của mạng lưới tổ TK&VV tiếp tục được nâng cao, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh. 
Ông Phạm Đức Cường, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh cho biết: Việc ngân hàng CSXH ủy thác qua 4 tổ chức chính trị xã hội thực hiện một số nội dung công việc trong quy trình cho vay hiện nay được đánh giá là phù hợp và phát huy hiệu quả tốt. Các tổ chức chính trị xã hội đã tập trung tuyên truyền, bình xét cho vay; giám sát sử dụng vốn vay; đôn đốc người vay trả nợ, trả lãi. 
Đồng thời, vận động tổ viên thực hành tiết kiệm, tạo nguồn hỗ trợ cho việc trả lãi, trả nợ ngân hàng CSXH và tạo lập dần vốn tự có; hướng dẫn cách thức sản xuất, làm ăn đạt hiệu quả. Năm 2020, ngoài các nội dung công việc trên, các tổ chức chính trị xã hội đã phối hợp tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng "về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội". 
Trọng tâm, tham mưu UBND các cấp bổ sung nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Đến 31/12/2020, tổng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang ngân hàng CSXH đạt 39,1 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn bổ sung cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác khắc phục thiệt hại do dịch bệnh COVID-19 là 11,7 tỷ đồng. 
Cùng với nguồn vốn từ Trung ương, nguồn vốn huy động tại các điểm giao dịch đã giúp trên 76 nghìn hội viên thuộc các hội đoàn thể có vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, cải thiện chất lượng cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững, hạn chế hộ tái nghèo. 
Từ kết quả hoạt động ủy thác cho vay trên địa bàn tỉnh đã góp phần giúp cho trên 5.000 hộ thoát nghèo, thu hút và tạo việc làm cho trên 3.000 lao động, đầu tư cho gần 1.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để học tập tại các trường đại học, cao đẳng và học nghề, đầu tư xây dựng, sửa chữa gần 30.000 công trình vệ sinh và công trình nước sạch... 
Qua đó giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2,57% vào cuối năm 2019 xuống còn 1,87% cuối năm 2020. Đối với các cấp hội, thông qua công tác ủy thác cho vay đã góp phần xây dựng, củng cố bộ máy và phong trào hoạt động, thu hút thêm nhiều hội viên, đoàn viên tham gia, làm cho hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác thêm đa dạng và phong phú theo hướng gần dân, sát dân, hiệu quả hơn. 

Bài, ảnh: Hồng Giang 

Văn bản điện tử
Một cửa điện tử
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập
Tổng lượt truy cập
4318966

Trực tuyến: 81

Hôm nay: 5989

Hôm qua: 8017