Thứ sáu, 29/03/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình

Rộng mở cơ hội hợp tác, đầu tư kinh tế số

Thứ tư, 02/03/2022

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang biến động rất mạnh vì đại dịch COVID-19, chuyển đổi số là "chìa khóa" cho sự phục hồi, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Vì thế, cơ hội hợp tác, đầu tư kinh tế số đang rất rộng mở.

 
Hơn 1.000 dịch vụ được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia là bước đi cụ thể của Chính phủ với vai trò tiên phong chuyển đổi số. (Ảnh MINH ÐỨC)
 
Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) 2021 được tổ chức tuần qua, cộng đồng doanh nghiệp tập trung nhiều khuyến nghị về thúc đẩy chuyển đổi số để kinh tế Việt Nam vững vàng vượt qua đại dịch.
 
Năm 2021 thu hút bốn tỷ USD
 
Ông Bruno Sivanadan, Thành viên Ban quản trị Nhóm công tác Kinh tế số VBF nhận định, Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu về tốc độ tăng trưởng kinh tế số trong khu vực Ðông Nam Á. Với quy mô 19 tỷ USD năm 2019, nền kinh tế internet của Việt Nam có bước phát triển mạnh nhất trong khu vực.
 
Ðầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ thông tin vào Việt Nam gia tăng và ngày càng nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn coi Việt Nam là điểm đến đầu tư tiếp theo. Năm 2021, Việt Nam thu hút 2.355 dự án với giá trị đầu tư bốn tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực công nghệ thông tin, đứng thứ 10 về quy mô đầu tư.
 
Với xu hướng này, Việt Nam có cơ hội phát triển nền kinh tế số và phát triển phần mềm. Những ngành nghề dựa trên nền tảng công nghệ số, công nghệ thông tin, truyền thông như thương mại điện tử, giải pháp họp trực tuyến, dịch vụ giao nhận... đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ trong đại dịch nhờ quá trình số hóa thông tin, áp dụng internet vạn vật (IoT) và công nghệ di động.
 
Nhóm công tác Kinh tế số VBF đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc triển khai hơn 1.000 dịch vụ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và cho rằng, Chính phủ cũng như chính sách tại mỗi quốc gia sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng áp dụng công nghệ để đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế.
 
Theo Thứ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, kinh tế số là lĩnh vực Chính phủ Việt Nam rất quan tâm và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia nhằm thực hiện mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
 
Cụ thể, đến năm 2025, kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP; đến năm 2030 chiếm hơn 30% GDP. "Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, khách quan. Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 đã và đang được Bộ Kế hoạch và Ðầu tư thực hiện mạnh mẽ trong những năm gần đây với mục tiêu rất tham vọng: 100% số doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; ít nhất 100 nghìn doanh nghiệp được nhận các hỗ trợ từ chương trình như sử dụng công cụ đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi, hỗ trợ đào tạo, tư vấn, kết nối các giải pháp; 100 doanh nghiệp được hỗ trợ là các thành công điển hình trong chuyển đổi số…
 
 
Dư địa hợp tác phát triển đầu tư về kinh tế số trong thời gian tới rất rộng mở", Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nhận định.
 
Khung khổ pháp lý chưa đáp ứng yêu cầu
 
Nhóm công tác Kinh tế số VBF cho rằng, chiến lược quan trọng nhất mà Chính phủ Việt Nam có thể áp dụng để đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế-xã hội là tiên phong chuyển đổi số và khuyến khích quá trình thay đổi. Không thể còn chỗ cho lãng phí trong công tác quản lý hành chính, Chính phủ cần đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tiếp cận công nghệ giúp đơn giản quy trình, giảm chi phí hành chính và hỗ trợ đổi mới để tạo ra các dịch vụ hiệu quả với chi phí thấp cho người dân. Tuy nhiên, khung pháp lý hiện tại của Việt Nam chưa bảo đảm sự ổn định và phù hợp sự phát triển nhanh chóng của tiến bộ công nghệ. Khuyến nghị được Nhóm công tác Kinh tế số VBF đưa ra là,
 
Chính phủ cần thực hiện các nhóm nội dung: Tiên phong trong chuyển đổi số; rà soát và ban hành khung pháp lý liên quan nền kinh tế số, xây dựng khung pháp lý rõ ràng, đặc biệt với nền kinh tế số và các doanh nghiệp liên quan công nghệ; bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên không gian mạng; phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin; mở rộng hệ sinh thái khởi nghiệp, coi đó là chìa khóa để xây dựng vị thế dẫn đầu về công nghệ; thúc đẩy nền kinh tế số hợp tác.
 
Trong đó, đầu tư phát triển nguồn nhân lực cho nền kinh tế số và các doanh nghiệp liên quan công nghệ là vấn đề rất quan trọng. Ðồng thời, cần tăng cường nỗ lực trong chuyển đổi số với ba trụ cột chính: Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Trình độ kỹ năng số của Việt Nam chưa bắt kịp các quốc gia láng giềng như: Thái Lan, Malaysia, Singapore. Do đó, nếu Việt Nam không đáp ứng được số lượng lao động có tay nghề cao trong quá trình chuyển đổi số đang diễn ra nhanh chóng, nền kinh tế có thể mất tới hai triệu việc làm vào năm 2045.
 
Khẳng định số hóa tất cả các ngành và toàn bộ nền kinh tế là một hành trình dài cần rất nhiều nỗ lực của tất cả các bên, bà Hà Nguyễn, đồng trưởng Nhóm công tác Kinh tế số VBF cho rằng, việc tiếp tục tham gia các hiệp định quốc tế là cần thiết cho Việt Nam để hướng tới phát triển các phương pháp tiếp cận đổi mới cho những khó khăn thách thức, thảo luận chính sách và đạt được sự đồng thuận để hành động. "Trong quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch, Chính phủ có thể đầu tư và hỗ trợ cho các ý tưởng có khả năng khởi động lại nền kinh tế.
 
Các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa là trọng tâm của các giải pháp sáng tạo này và là động lực tăng trưởng quan trọng cho Việt Nam. Chính phủ có thể tiên phong ứng dụng công nghệ mới và hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp bằng cách đầu tư vào chính sách, bao gồm cả những chính sách dành riêng cho từng ngành, giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp tận dụng tốt nhất lợi ích của các công nghệ mới", bà Hà Nguyễn nêu quan điểm.
 
Tô Hà Dư (Nhandan.vn)
Văn bản điện tử
Một cửa điện tử
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập
Tổng lượt truy cập
4328412

Trực tuyến: 72

Hôm nay: 7517

Hôm qua: 7918