Thứ sáu, 29/03/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình

Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Tần số Vô tuyến điện

Thứ bảy, 20/03/2021

 Sáng ngày 19/03/2021, tại Hà Nội,  Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Tần số Vô tuyến điện. Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm đã tới dự và phát biểu tại hội nghị.


2021319-u1.jpg

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm phát biểu tại hội nghị

Tại hội nghị, đại diện Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết: Luật Tần số Vô tuyến điện được xây dựng trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông và đặt trong hoàn cảnh Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Theo đó, các yêu cầu về minh bạch chính sách quản lý, cấp phép tần số vô tuyến điện, nhất là các tần số vô tuyến điện có giá trị thương mại cao được đặt ra; đồng thời các yêu cầu về xác định trách nhiệm phối hợp tần số quốc tế đối với doanh nghiệp viễn thông để bảo vệ chủ quyền Việt Nam và việc bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ trong việc sử dụng tần số giữa quốc phòng, an ninh và dân sự cũng là những đòi hỏi cấp bách đặt ra khi xây dựng Luật Tần số Vô tuyến điện.

Bên cạnh đó, Luật Tần số Vô tuyến điện cũng đặt ra những mục tiêu, chính sách quan trọng như: Xác định rõ vị trí của cơ quan quản lý chuyên ngành, Thanh tra chuyên ngành tần số vô tuyến nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tần số vô tuyến điện và phù hợp với cam kết gia nhập WTO của Việt Nam về việc minh bạch chính sách quản lý và thành lập cơ quan quản lý chuyên ngành; Thúc đẩy sự phát triển của thông tin vô tuyến điện, thúc đẩy ứng dụng các công nghệ hiện đại sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên tần số; Thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường dịch vụ thông tin vô tuyến; Đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản thủ tục, mở rộng các băng tần sử dụng chung không cần cấp phép nhưng vẫn đảm bảo mục đích hiệu quả, an toàn trong việc sử dụng phổ tần; Tăng cường bảo vệ chủ quyền, quyền lợi quốc gia về tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh; Tăng cường bảo đảm an toàn bức xạ vô tuyến điện.

Đặc biệt, lần đầu tiên, yêu cầu về bảo đảm an toàn bức xạ vô tuyến điện được quy định ở Luật. Đây là cơ sở quan trọng để triển khai công tác quản lý, bảo đảm  an toàn bức xạ điện từ đối với sức khoẻ người dân.

Sau 10 năm triển khai Luật Tần số Vô tuyến điện, các văn bản quản lý đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu quản lý và phát triển của thông tin vô tuyến, thúc đẩy ứng dụng các công nghệ hiện đại, tiên tiến sử dụng hiệu quả phổ tần số; Thủ tục cấp phép đã được đơn giản hóa triệt để, cấp phép điện tử đạt tỷ lệ cao trung bình mỗi năm đạt khoảng 70%. Hiệu quả của công tác quản lý tần số phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh đã được tăng cường, trong đó phải kể đến vai trò của các cơ quan đầu mối quản lý của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Công tác bảo vệ lợi ích và chủ quyền quốc gia về tần số và quỹ đạo vệ tinh được thực hiện, với việc đăng ký thành công tần số và quỹ đạo để phóng vệ tinh Vinassat-2, Redsat-1, Micro dragaon cũng như việc đăng ký thành công hàng ngàn tần số, trong đó có tần số tại vùng biển Trường Sa. Công tác quản lý tương thích điện từ, chất lượng phát xạ vô tuyến điện đạt được thành quả ban đầu với hơn 120 quy chuẩn kỹ thuật đối với thiết bị vô tuyến điện được ban hành và hàng chục nghìn trạm gốc thông tin di động đã được kiểm định về an toàn bức xạ vô tuyến điện.

2021319-u2.jpg

 Toàn cảnh hội nghị 

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết, sự ra đời của Luật Tần số Vô tuyến điện, bao gồm các Thông tư, Nghị định và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã tạo nên hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về tần số vô tuyến điện. Tuy vậy, Luật Tần số Vô tuyến điện còn bộc lộ hạn chế cần được điều chỉnh, sửa đổi, cụ thể là: Làm rõ việc áp dụng các phương thức cấp phép trong các loại băng tần, tần số có giá trị thương mại cao theo hướng chỉ đấu giá các băng tần thông tin di động. Với các băng tần, kênh tần số khác có tính chất thương mại cao, sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với từng trường hợp cụ thể. Tất cả các đối tượng được cấp phép sử dụng tần số ngoài lệ phí sẽ phải nộp phí thương quyền.

Thứ trưởng cũng yêu cầu Cục Tần số Vô tuyến điện phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong Bộ tiếp thu ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện báo cáo tổng kết thi hành Luật và bộ hồ sơ đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Tần số Vô tuyến điện để sớm gửi cho Bộ Tư pháp có ý kiến thẩm định.

Theo dự kiến trong quý II/2021, Bộ TT&TT sẽ trình Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Luật Tần số Vô tuyến điện. Qua đó, chúng ta sẽ có hành lang pháp lý đầy đủ và chặt chẽ hơn, cập nhật hơn để quản lý tốt hơn nữa, đảm bảo trong thời gian tới, Luật Tần số Vô tuyến điện và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật góp phần thúc đẩy sự phát triển của thông tin vô tuyến điện, thúc đẩy ứng dụng các công nghệ hiện đại sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên tần số, đảm bảo sự cạnh tranh trên thị trường dịch vụ thông tin vô tuyến; đồng thời giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tần số vô tuyến điện ở nước ta./.

PV

Văn bản điện tử
Một cửa điện tử
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập
Tổng lượt truy cập
4320941

Trực tuyến: 45

Hôm nay: 46

Hôm qua: 7918